zaterdag 27 april 2024

Máy bay ‘drone’ MQ-9 Reaper trị giá $30 triệu của Không Quân Mỹ rơi ở Yemen

 Máy bay ‘drone’ trị giá $30 triệu của Không Quân Mỹ rơi ở Yemen


TAMPA, Florida (NV) – Một máy bay không người lái MQ-9 thuộc Không Quân Hoa Kỳ bị rơi ở Yemen vào sáng Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, một viên chức quân sự Hoa Kỳ cho biết. Giới chức đang tiến hành điều tra sự việc. Theo viên chức ẩn danh, không có ai bị thương, Đài CBS News đưa tin.

Lực lượng Houthi do Iran chống lưng nhận trách nhiệm hôm Thứ Sáu về việc bắn hạ máy bay không người lái.

Houthi bắn hạ hai chiếc MQ-9 khác – cả hai đều bay ngoài khơi Yemen – tính từ Tháng Mười Một, chiếc đầu tiên vào đầu Tháng Mười Một và sau đó là chiếc khác vào Tháng Hai. Mỗi chiếc MQ-9 có giá khoảng $30 triệu, theo Cơ Quan Nghiên Cứu Quốc Hội.

Một chiếc MQ-9 Reaper đang bay huấn luyện tại căn cứ Creech Air Force Base, Nevada. (Hình minh họa: Isaac Brekken/Getty Images)

Những máy bay không người lái hoạt động ngoài khơi và trên không phận Yemen là một phần trong nỗ lực của quân đội Hoa Kỳ giúp bảo vệ các thương thuyền và chiến hạm trước các cuộc tấn công từ lực lượng Houthi.

Từ lúc cuộc chiến giữa Israel với Hamas bùng nổ, lực lượng Houthi tấn công hoặc đe dọa hơn 100 thương thuyền hoặc chiến hạm ở Biển Đỏ hoặc Vịnh Aden. Dân quân Houthi tuyên bố các cuộc tấn công của họ nhằm mục đích phản đối cuộc chiến của Israel chống lại Hamas và Hoa Kỳ trong việc tương trợ Israel, nhưng giới chức Mỹ chỉ ra rằng nhiều tàu bè Houthi nhắm tới không liên can gì tới Israel.

Như một biện pháp đối phó, Hoa Kỳ và Anh Quốc, cùng các quốc gia khác hợp sức, khai hỏa bốn đợt không kích hỗn hợp nhằm diệt trừ hỏa lực của Houthi ở Yemen. Ngoài ra, quân đội Mỹ thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công tự vệ chống lại hỏa tiễn và máy bay không người lái của Houthi khi thấy lực lượng Houthi rục rịch tấn công.

Hoa Kỳ cũng phát động một chiến dịch phòng thủ trên biển, mang tên Chiến Dịch Phòng Vệ Thịnh Vượng, với hơn 20 quốc gia đồng minh, nhằm bảo vệ thương thuyền khỏi các cuộc tấn công của Houthi.

Tính tới nay, chỉ có một cuộc tấn công của Houthi là có người chết. Một cuộc tấn công hồi Tháng Ba nhắm vào thương thuyền True Confidence thuộc sở hữu của Liberia giết chết hai thành viên thủy thủ đoàn.

Mức độ của các cuộc tấn công cũng chựng lại trong những tuần gần đây, nhưng vẫn tiếp diễn, trong đó có hôm Thứ Năm, lực lượng Houthi bắn một hỏa tiễn đạn đạo chống hạm vào Vịnh Aden. Không có thương tích hay thiệt hại nào từ cuộc tấn công đó, Bộ Tư Lệnh Trung Tâm Hoa Kỳ Centcom cho biết trong một tuyên bố.

Phó phát ngôn viên báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết hồi đầu tháng này Hoa Kỳ “chắc chắn sẽ tiếp tục làm mọi các để bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden, và tất nhiên, là làm tất cả những gì cần phải làm để bảo vệ quân lực Hoa Kỳ.” (TTHN)

Máy bay ‘drone’ trị giá $30 triệu của Không Quân Mỹ rơi ở Yemen - Nguoi Viet Online (nguoi-viet.com)

Phụ nữ gốc Hoa nhận tội lừa Bưu Điện Hoa Kỳ hơn $150 triệu

 Phụ nữ gốc Hoa nhận tội lừa Bưu Điện Hoa Kỳ hơn $150 triệu


LOS ANGELES, California (NV) – Hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, một phụ nữ ở San Gabriel Valley nhận tội lừa gạt Bưu Điện Hoa Kỳ (USPS) số tiền hơn $150 triệu bằng cách sử dụng bưu phí giả để vận chuyển hàng chục triệu bưu kiện, Văn Phòng Biện Lý Hoa Kỳ, Khu Vực Trung Tâm California cho biết.

Lijuan “Angela” Chen, 51 tuổi, đến từ Walnut, nhận một tội âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ và một tội sử dụng bưu phí giả. Chen bị liên bang giam giữ từ lúc bị bắt vào Tháng Năm 2023.

“Bị cáo tham gia vào một âm mưu lừa đảo gây thiệt hại lớn cho dịch vụ bưu chính của Hoa Kỳ,” Biện Lý Hoa Kỳ Martin Estrada cho biết. “Văn phòng của tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc buộc những kẻ lừa đảo phải chịu trách nhiệm và đem lại công lý cho các nạn nhân trên khắp nước Mỹ.”

Xe phát thư của Bưu Điện Hoa Kỳ USPS (Hình: Arnet Xavier/Pexels)

Theo thỏa thuận nhận tội, ít nhất là từ Tháng Mười Một 2019 tới Tháng Năm 2023, Chen và đồng phạm của bà, Chuanhua “Hugh” Hu, 51 tuổi, sở hữu và điều hành một doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ đặt tại City of Industry. Công ty này cung cấp dịch vụ vận chuyển, gồm có vận chuyển các kiện hàng thông qua Bưu Điện Hoa Kỳ, cho các doanh nghiệp vận chuyển đóng tại Trung Quốc.

Để tránh mất tiền bưu phí, Hu âm mưu tạo ra bưu phí giả để vận chuyển các kiện hàng bằng cách in ra hàng loạt Netstamp giống nhau và giả mạo – những tấm tem có thể mua trực tuyến từ các nhà cung cấp bên thứ ba và in trên băng keo hai mặt.

Tháng Mười Một 2019, khi hay cơ quan thực thi công lực đang điều tra âm mưu lạm dụng bưu phí giả, Hu tẩu thoát khỏi Hoa Kỳ và tạm lánh ở Trung Quốc. Sau khi trốn qua Trung Quốc, Hu phát triển các cách làm bưu phí giả mà tránh bị phát giác, chẳng hạn như dùng nhu liệu máy tính để làm nhãn vận chuyển bưu chính giả. Chen thì vẫn ở Hoa Kỳ và quản lý các nhà kho mà bà và Hu dùng làm hang ổ vận chuyển các kiện hàng dán bưu phí giả.

Bắt đầu từ 2020, Chen và Hu bắt đầu dán bưu phí giả vào bưu kiện mà họ trình cho USPS để giao hàng. Chen và Hu nhận các bưu kiện từ các nhà cung cấp đặt trụ sở tại Trung Quốc và những người khác, dán nhãn vận chuyển cho thấy bưu phí đã thanh toán và sau đó sắp xếp để chở bưu kiện tới các bưu cục USPS rồi vận chuyển đi cả nước Mỹ. Nhãn vận chuyển nào cũng bị làm giả và thường có “dữ liệu mã vạch thông minh,” trong số các dấu hiệu giả mạo khác, được tái chế từ các kiện hàng trước đó, theo hồ sơ tòa án. Dữ liệu mã vạch thông minh được dùng trong một số nhãn vận chuyển bưu chính để chứng minh cần phải thanh toán bưu phí cho mặt hàng được vận chuyển.

Ví dụ, vào ngày 25 Tháng Mười năm 2022, Chen và Hu yêu cầu USPS vận chuyển khoảng 4,779 kiện hàng qua Bưu Điện Hoa Kỳ. Chuyến hàng này có nhiều kiện hàng dán tem bưu chính USPS Priority Mail bị làm giả.

Tháng Giêng 2020 tới Tháng Năm 2023, Chen và Hu cố tình gửi thư và làm hơn 34 triệu bưu kiện bị dính nhãn vận chuyển bưu chính giả mạo, gây thiệt hại hơn $150 triệu cho USPS, theo cáo trạng.

Là một phần trong thỏa thuận nhận tội, Chen đồng ý giao nộp số tiền mà cơ quan thực thi công lực tịch thu từ trương mục nhà băng, hợp đồng bảo hiểm và bất động sản của bà ở Walnut, Chino, Chino Hills, South El Monte, Diamond Bar và West Covina.

“Cơ Quan Bưu Điện và Cơ Quan Kiểm Tra Bưu Điện sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp rộng hơn để duy trì mức độ an ninh mà khách hàng của Cơ Quan Bưu điện mong đợi và xứng đáng nhận được,” Thanh Tra Đặc Trách, Carroll Harris, thuộc Đơn Vị Thanh Tra Bưu Điện Los Angeles cho biết. “Âm mưu làm giả bưu phí gây thiệt hại về tiền bạc cho khách hàng cũng như cho Bưu Điện. Những kẻ lừa đảo hãy coi chừng, Cơ Quan Kiểm Tra Bưu Điện sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để triệt phá âm mưu của các người, tìm ra các người và đưa các người ra trước công lý.”

“Ngày hôm nay Chen thừa nhận rằng bà thông đồng với Hu để cố tình và cố ý lừa gạt Chính Phủ Hoa Kỳ,” Đặc Vụ Đặc Trách Tyler Hatcher, Đơn Vị Điều Tra Hình Sự thuộc Sở Thuế Vụ IRS (IRS-CI), Văn Phòng Thực Địa Los Angeles cho biết. “IRS:CI sẽ hợp tác không ngừng nghỉ với các đối tác để bảo vệ lợi ích của người nộp thuế liên quan tới dịch vụ bưu chính và các cơ quan chính phủ khác.”

Thẩm Phán Sơ Thẩm Josephine L. Staton sắp xếp phiên tòa tuyên án vào ngày 2 Tháng Tám, lúc đó Chen sẽ phải đối diện với mức án tối đa theo luật định là năm năm tù liên bang cho mỗi tội danh.

Hu, kẻ được cho là đang lẩn trốn ở Trung Quốc, bị buộc một tội âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ, ba tội thông đồng và chiếm giữ rồi ngụy trang chức năng của cơ quan Hoa Kỳ, cùng một tội giả mạo và làm giả tem bưu chính. (TTHN)

Phụ nữ gốc Hoa nhận tội lừa Bưu Điện Hoa Kỳ hơn $150 triệu - Nguoi Viet Online (nguoi-viet.com)

vrijdag 26 april 2024

California có 4 trong 25 bãi biển tuyệt vời nhất Hoa Kỳ

California có 4 trong 25 bãi biển tuyệt vời nhất Hoa Kỳ


SANTA MONICA, California (NV) – Cư dân California không cần phải đi xa để tìm đến những bãi biển tuyệt vời nhất Hoa Kỳ vì tiểu bang có đến bốn bãi biển được đánh giá như vậy.

Theo đài KTLA, bốn bãi biển ở California nằm trong danh sách 25 bãi biển tuyệt vời nhất Hoa Kỳ của tạp chí du lịch Travel & Leisure. Danh sách này không có thứ hạng, chỉ đưa ra 25 bãi biển không thể bỏ qua ở Hoa Kỳ.

Cầu tàu của bãi biển Santa Monica Beach. (Hình minh họa: Apu Gomes/AFP via Getty Images)

Bốn bãi biển của California trong danh sách này gồm có: Coronado Beach ở San Diego, Pope Beach ở Lake Tahoe, Santa Monica Beach ở Santa Monica, và Carmel Beach ở thành phố Carmel-by-the-Sea.

Lý do các bãi biển này được đánh giá cao là vì địa điểm, có cảnh đẹp và có nhiều hoạt động giải trí.

Tác giả Patricia Doherty viết trong danh sách: “Ai cũng có tiêu chuẩn khác nhau để định nghĩa một bãi biển hoàn hảo, như phẩm chất của cát và của sóng, sự yên lặng, có phương tiện giao thông công cộng và dễ đậu xe, có cầu tàu để đi bộ, có nhiều hoạt động và có nhiều bóng râm.”

Vì vậy, tạp chí Travel & Leisure chọn 25 bãi biển có thể nói là thích hợp cho mọi tiêu chuẩn được nêu trên.

Danh sách còn có những bãi biển ở Hawaii, Maryland, Florida, Illinois, và nhiều tiểu bang khác.

Để xem danh sách 25 bãi biển tuyệt vời nhất Hoa Kỳ, xin vào trang web travelandleisure.com/trip-ideas/beach-vacations/best-beaches-in-the-us(TL) [qd]

California có 4 trong 25 bãi biển tuyệt vời nhất Hoa Kỳ (nguoi-viet.com)

California có thêm hơn 150,000 cư dân nhập quốc tịch Mỹ trong năm 2023

 California có thêm hơn 150,000 cư dân nhập quốc tịch Mỹ


SACRAMENTO, California (NV) – California có thêm 154,900 cư dân nhập quốc tịch Mỹ trong năm tài chính 2023, nâng tổng số công dân nhập quốc tịch ở tiểu bang này lên hơn 500,000 người trong ba năm qua, theo Newsweek hôm Thứ Năm, 25 Tháng Tư.

Tính trên cả nước, tổng cộng khoảng 878,500 người trở thành công dân Mỹ trong năm tài chính 2023 (từ 1 Tháng Mười, 2022, tới 30 Tháng Chín, 2023), theo dữ liệu Sở Di Trú USCIS. Số người nhập quốc tịch Mỹ trong năm tài chính 2022 và 2023 chiếm 24% tổng số người trở thành công dân Mỹ 10 năm qua, theo USCIS.

Lễ tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ ở Los Angeles, California, hôm 15 Tháng Năm, 2022. (Hình minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

Tháng Mười Một năm nay, tất cả họ được quyền đi bầu tổng thống lần đầu tiên.

California là tiểu bang duy nhất có trên 100,000 người nhập quốc tịch Mỹ trong năm tài chính vừa qua, bỏ xa Texas (99,000), Florida (94,100), New York (92,800) và New Jersey (39,000).

Top 5 thành phố hoặc “borough” có số người nhập quốc tịch Mỹ nhiều nhất trong năm tài chính 2023 là Brooklyn, New York, (19,400), Miami, Florida (15,800), Houston, Texas (15,700), Bronx, New York (13,000) và Los Angeles, California (9,300).

Người Mexico nhập quốc tịch Mỹ đông nhất trong thời gian đó: 115,000 người. Thứ nhì là Ấn Độ (59,100); thứ ba là Philippines (44,800), thứ tư là Dominican Republic (35,200) và thứ năm là Cuba (33,200).

Số người nhập quốc tịch Mỹ ở California trong năm tài chính 2023 ít hơn những năm trước. Năm tài chính 2021, California chào đón thêm 172,000 công dân, và năm tài chính 2022, thêm 182,000 người, nâng tổng số người trở thành công dân Mỹ trong ba năm ở tiểu bang này lên 508,900 người.

Tính tới Tháng Giêng, 2024, California có 10.4 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% tổng số người nhập cư ở Mỹ, theo Viện Chính Sách Công California (PPIC).

Trung Tâm Ngân Sách và Chính Sách California (CBPC) còn đưa ra con số cao hơn – trên 11 triệu người nhập cư trong năm 2023, chiếm 28% dân số California.

Từ năm 2021 tới 2023, tổng cộng 6.1 triệu người nhập cư ở California có việc làm, tương đương cứ ba người lao động ở tiểu bang này thì khoảng một người là dân nhập cư, theo CBPC.

Theo dữ liệu PPIC mới nhất, 27% dân số California là người nhập cư – cao nhất cả nước, và 46% trẻ em California có ít nhất cha hoặc mẹ là người nhập cư.

Dân số California tiếp tục tăng vọt giữa lúc tiểu bang này cố gắng ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp gia tăng.

Trước đây trong Tháng Tư, chính quyền Tổng Thống Joe Biden loan báo California sẽ được liên bang hỗ trợ $45 triệu cho các chương trình liên hệ với di dân, nhật báo The Los Angeles Times đưa tin. (Th.Long) [qd]

California có thêm hơn 150,000 cư dân nhập quốc tịch Mỹ (nguoi-viet.com)

[Lò-ông-Lú] [LoL] : Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ xin thôi chức, Đảng đồng ý [ "Củi" xứ Bác... cho vào "Lò"... cháy to quá ! ]

 

Ông Vương Đình Huệ xin thôi chức, Đảng đồng ý

Các ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Thái Hà
Chụp lại hình ảnh,Ông Vương Đình Huệ (bìa trái) đã bị Đảng Cộng sản Việt Nam cho thôi chức

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý cho thôi chức. Quyết định chấn động này vừa được đưa ra trong cuộc họp bất thường vào sáng nay (26/4).

Theo đó, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, đã được đảng đồng ý cho thôi tất cả các chức vụ về mặt đảng và nhà nước.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Vương Đình Huệ đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

"Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân Đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Đồng chí đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác", theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Hiện chưa nắm được cụ thể ông Huệ “chịu trách nhiệm người đứng đầu” do sai phạm gì và của ai.

Tuy nhiên, mới đây vào ngày 21/4, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của của ông Huệ đã bị bắt, khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” có liên quan đến vụ án Tập đoàn Thuận An.

Khoảng một tháng trước, cựu Chủ Tịch nước Võ Văn Thưởng cũng bị miễn nhiệm. Khi đó, ông Huệ là một trong số ít ủy viên Bộ Chính trị đủ tiêu chuẩn theo Quy định 214-QĐ/TW cho vị trí chủ tịch nước.

Nhưng hơn một tháng sau đó, ông Huệ cũng “nối gót" ông Thưởng khi “xin thôi" các chức vụ. Bộ Chính trị khóa 13 đầu khóa có 18 người, nay thêm sự ra đi của ông Huệ, con số này chỉ còn 13.

Nguyên nhân từ chức?

Việc ông Phạm Thái Hà, trợ lý thân cận của ông Huệ bị bắt, khởi tố có thể là một trong những nguyên nhân khiến ông Huệ phải “xin thôi".

Đầu tiên, cần nói đến mối quan hệ giữa ông Huệ và ông Hà - người được cho là thân tín của ông Huệ..

Trước khi làm trợ lý cho ông Vương Đình Huệ tại Quốc hội, ông Phạm Thái Hà từng theo ông Huệ qua nhiều cơ quan.

Theo thông tin nói trên của VOV thì trong thời gian ông Vương Đình Huệ làm Tổng kiểm toán Nhà nước từ năm 2006 đến 2011, ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông.

Sau đó, khi ông Huệ trải qua các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính giai đoạn 2011-2012, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012-2016, Phó Thủ tướng giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Thái Hà vẫn là người trợ lý thân cận của ông Huệ.

Kể cả khi ông Vương Đình Huệ chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (2020-2021), ông Phạm Thái Hà vẫn theo chân ông.

Đến tháng 4/2021, ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội, một trong “Tứ Trụ” của Việt Nam. Ông Hà cũng chuyển sang làm trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Và chỉ sau đó hơn một năm, vào tháng 5/2022, ông Phạm Thái Hà chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Như vậy, mối quan hệ thân thiết giữa ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Thái Hà là rất rõ.

Nếu chiếu theo Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, ông Vương Đình Huệ có thể đã bị xử lý do những sai phạm của ông Phạm Thái Hà.

Điều 7 của quy định này nêu rõ:

1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, phân tích với BBC rằng, về bản chất, tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” mà ông Hà bị khởi tố là tội danh thuộc nhóm các tội tham nhũng.

"Do đó, căn cứ vào Khoản 1 Điều 7 Quy định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính Trị là miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, thì đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ," luật sư đánh giá.

Theo Luật sư Phùng Thanh Sơn, ngay cả khi cho rằng tội danh mà ông Hà bị khởi tố không phải là tội danh thuộc nhóm các tội danh tham nhũng thì cũng đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.

Bởi lẽ, Khoản 1 Điều 7 này không quy định phải xảy ra đồng thời tham nhũng và tiêu cực rất nghiêm trọng thì mới bị xem xét miễn nhiệm.

Với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, khung hình phạt lên đến mức chung thân, tức có thể xem là “đặc biệt nghiêm trọng”, theo Luật sư Sơn.

Khung hình phạt của tội danh này lên đến mức chung thân nên theo quy định thì đây thuộc loại tội phạm "đặc biệt nghiêm trọng".

Như vậy, có khả năng, ông Huệ đã thôi chức vì chịu trách nhiệm người đứng đầu vì sai phạm của cấp dưới là ông Phạm Thái Hà.

Những tiền lệ ‘chịu trách nhiệm người đứng đầu'

Trước ông Vương Đình Huệ, đã có hàng loạt cán bộ cấp cao ở Việt Nam xin thôi chức với lý do "trách nhiệm người đứng đầu"

Ngày 20/3, ông Võ Văn Thưởng đã xin thôi giữ các chức vụ trong đảng và nhà nước vì đã có "những vi phạm, khuyết điểm gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông".

Đầu năm nay, ngày 31/1/2024, ông Trần Tuấn Anh đã bị cho thôi các chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Tháng 1/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Thưởng, cũng đã phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng;

Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam.

Trong một bài viết trên trang VOV có nhan đề Từ chức, miễn nhiệm theo Quy định 41: Giá trị của đạo làm quan, tên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã được nêu ra làm ví dụ.

Với trường hợp ông Phạm Bình Minh, vào tháng 9/2022, cựu trợ lý của ông Minh là ông Nguyễn Quang Linh đã bị cơ quan an ninh điều tra khởi tố, bắt giam về tội nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng trong đại án “chuyến bay giải cứu”.

Ông Nguyễn Quang Linh được bổ nhiệm làm trợ lý cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gần 10 năm, từ ngày 31/12/2013 cho đến khi bị bắt. Vào tháng 4/2023, ông Linh đã bị tuyên 7 năm tù.

Thời điểm truy tố và tuyên án ông Nguyễn Quang Linh xảy ra sau thời điểm ông Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm (1/2023).

Tuy nhiên, ngay sau khi ông Linh bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “Nhận hối lộ”, là một trong tội phạm thuộc về nhóm tội tham nhũng, thì về mặt Đảng, đã có thể đưa vấn đề trách nhiệm người đứng đầu ra xem xét rồi.

Do đó, lãnh đạo trực tiếp của ông là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có thể đã bị xem xét kỷ luật theo Khoản 3 Điều 7 của Quy định 41, dù Đảng Cộng sản Việt Nam chưa từng công bố rõ ràng điều này.

Tổng cộng, có thể khẳng định, trước ông Vương Đình Huệ, đã có bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm theo Quy định 41.

Sự nghiệp ông Vương Đình Huệ

Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957 tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, 13 và là Chủ tịch Quốc hội khóa 13 từ ngày 20/7/2021.

Ông có học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia.

Ông từng là giảng viên, rồi Phó trưởng khoa, Trưởng khoa Kế toán, rồi Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội.

Từ năm 2001 đến 2013, ông Huệ đảm nhận các chức vụ như làm Phó Tổng Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính.

Ông Huệ là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012 - 2016.

Tại Đại hội Đảng 12 vào tháng 1 năm 2016, ông được bầu vào Bộ Chính trị, nhóm các nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam.

Sau đó, vào tháng 4/2016 ông Vương Đình Huệ trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tháng 2/2020, khi ông Hoàng Trung Hải bị kỷ luật, Bộ Chính trị đã đưa ông Huệ về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tại Đại hội Đảng 13, ông Huệ tiếp tục vào Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa 13.

Tới ngày 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ chính thức trở thành tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trên cương vị chủ tịch Quốc hội

Hoạt động nổi bật gần đây của ông Huệ là chuyến công du kéo dài năm ngày tới Trung Quốc, từ ngày 7/4 tới ngày 12/4.

Do chuyến thăm diễn ra chỉ khoảng nửa tháng sau khi ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước và Việt Nam bị đánh giá là “bất ổn chính trị”, chuyến đi của ông Huệ đã trở thành tâm điểm chú ý.

Về chuyến đi này, báo chí Việt Nam và Trung Quốc đã có cách tường thuật khác biệt.

Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Huệ khẳng định “Việt Nam kiên quyết thực hiện chính sách ‘Một Trung Quốc’, tin rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và kiên quyết phản đối mọi hình thức của các hoạt động ly khai ‘Đài Loan độc lập’.”

CCTV còn dẫn lời ông Huệ rằng “vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng cũng là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và Trung Quốc chắc chắn sẽ duy trì ổn định và thịnh vượng dài lâu”.

Trong khi đó, cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam chỉ thuật lại chỗ này bằng một câu ngắn gọn rằng ông Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách “Một Trung Quốc”.

Các trang báo chính thống tại Việt Nam cũng có nội dung đồng nhất như vậy, có thể hiểu là đã có một sự “quán triệt” về cách đưa tin.

Đây không phải là lần đầu tiên cách truyền thông của nhà nước Trung Quốc và Việt Nam có độ vênh rõ rệt về ngôn ngữ.

Một số nội dung khác như hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại… cũng được hai quốc gia bàn bạc.

Hà Nội: Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông ‘vi phạm chủ quyền’ Việt Nam

 

Hà Nội: Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông ‘vi phạm chủ quyền’ Việt Nam

Tàu cá của ngư dân Việt Nam neo đậu gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ngư dân Lý Sơn đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa thường xuyên bị tàu Trung Quốc tấn công, gây thương tích và cướp phá tài sản.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam neo đậu gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ngư dân Lý Sơn đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa thường xuyên bị tàu Trung Quốc tấn công, gây thương tích và cướp phá tài sản.

Việc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế đã được công nhận, đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói hôm 25/4.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam; không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông”, Tiền Phong dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói tại buổi họp báo ngày 25/4.

Trước đó, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá thường niên có hiệu lực từ ngày 1/5-16/9 trên 4 khu vực biển, gồm Biển Đông, biển Hoa Đông, Bột Hải và Hoàng Hải, theo VnExpress.

Lệnh cấm áp dụng trên khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông có hiệu lực từ ngày 1/5-16/8, bao trùm khu vực từ vĩ tuyến 12 đến phía bắc đảo Đài Loan, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc hằng năm đều đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên một số khu vực ở Biển Đông, nơi nhiều nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau. Lệnh cấm này được Trung Quốc áp dụng cho tất cả các tàu thuyền của ngư dân các nước, kèm theo tuyên bố sẽ xử phạt, tịch thu tàu thuyền, thiết bị và cá của những trường hợp vi phạm. Đây được xem là một trong những cách Bắc Kinh thực hiện nhiều năm qua để khẳng định yêu sách chủ quyền trong vùng biển tranh chấp.

https://youtu.be/fzLrAkG2dqc

Hà Nội: Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông ‘vi phạm chủ quyền’ Việt Nam (voatiengviet.com)